Toàn cảnh Hội nghị Chuyển đổi số ngành GTVT.
Tham dự về phía Bộ TT&TT có Thứ trưởng Nguyễn Huy Dũng, đại điện các Cục, Vụ chức năng và các doanh nghiệp công nghệ Việt Nam. Về phía Bộ GTVT có các Thứ trưởng, đại diện các Cục, Vụ chức năng và đại diện Uỷ ban An toàn giao thông Quốc gia.
Đồng thời, ngành GTVT đã xây dựng được 4 cơ sở dữ liệu nền tảng dùng chung về kết cấu hạ tầng giao thông, quản lý phương tiện, quản lý người điều khiển phương tiện và quản lý doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực GTVT. Đồng thời, Ngành đã triển khai được nhiều ứng dụng CNTT phục vụ quản lý, điều hành chuyên ngành thuộc lĩnh vực đường bộ, hàng không, hàng hải, đường thủy nội địa, đường sắt, đăng kiểm.
Về an toàn an ninh mạng, Bộ GTVT đã hoàn thiện Hệ thống Giám sát ATTT mạng và phòng chống mã độc bảo vệ các hệ thống thông tin tập trung của Bộ theo mô hình 4 lớp và đã kết nối với Trung tâm Giám sát an toàn không gian mạng Quốc gia. Đồng thời, đại diện Bộ GTVT cũng giới thiệu những định hướng phát triển Chính phủ điện tử, hướng tới chính phủ số của Ngành giai đoạn 2021-2025.
Ngành GTVT đã, luôn và sẽ là ngành hạ tầng cơ bản nhất của xã hội
Từ góc nhìn của Thứ trưởng theo dõi lĩnh vực CNTT và ATTT mạng, Thứ trưởng Nguyễn Huy Dũng nhận định, ngành GTVT đã, luôn và sẽ là một hạ tầng cơ bản nhất của xã hội. Từ nay đến năm 2045, đường bộ, đường sông, đường biển và đường hàng không tiếp tục là huyết mạch giao thông vận tải. Bốn con đường này do Bộ GTVT quản lý.
Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Huy Dũng phát biểu tại Hội nghị.
Trong kỷ nguyên số, có một con đường thứ năm, gọi là đường mạng. Con đường này do Bộ TT&TT quản lý. Việc đồng bộ các hoạt động của 4 con đường nói trên với đường mạng sẽ giúp đẩy nhanh tốc độ di chuyển trên bốn con đường nói trên. Đây chính là chuyển đổi số.
Thứ trưởng cũng đưa ra những ví dụ, số liệu cụ thể, những hoạt động chuyển đổi số có thể triển khai trong ngành GTVT từ ba góc nhìn: từ góc độ là người dân, từ góc độ doanh nghiệp và từ góc độ cơ quan quản lý.
Thứ trưởng cho biết, hiện nay, chỉ số chi phí logistics/GDP của Việt Nam vẫn còn ở mức khá cao so với mức trung bình của thế giới. Chi phí trung bình thế giới khoảng 10,7%, còn ở Việt Nam, tỉ lệ này là khoảng 18%. Do vậy, có thể thấy dư địa để phát triển và tối ưu hóa hạ tầng giao thông, hạ tầng logistics ở Việt Nam còn rất lớn.
Trên cơ sở năm nhiệm vụ trọng tâm mà ngành GTVT đã được Thủ tướng Chính phủ giao tại các văn bản về Chiến lược, Chương trình, Đề án, Quy hoạch, Kế hoạch quốc gia trong 5 năm tới, Thứ trưởng Bộ TT&TT đề xuất một số việc Bộ GTVT có thể triển khai ngay để thực hiện chuyển đổi số. Đó là xây dựng Khung kiến trúc giao thông thông minh phù hợp với xu thế phát triển quốc tế và bối cảnh tại Việt Nam. Đây là việc cần làm sớm, cần làm ngay và cần làm đầu tiên; Xây dựng cơ sở dữ liệu toàn ngành và thực hiện kết nối, chia sẻ với các bộ, ngành liên quan để hình thành cơ sở dữ liệu quốc gia (CSDLQG) về giao thông vận tải; Xây dựng dashboard điều hành hướng tới ra quyết định dựa trên dữ liệu; Bảo đảm an toàn an ninh mạng cho các hệ thống, cơ sở dữ liệu, đặc biệt là các hệ thống quan trọng quốc gia; Phát triển các doanh nghiệp công nghệ số trong lĩnh vực giao thông vận tải; Nêu ra ra bài toán và tìm kiếm giải pháp chuyển đổi số cho Việt Nam và cho ngành GTVT.
Cũng tại Hội nghị, đại diện lãnh đạo đến từ các doanh nghiệp ICT Việt Nam như: Tập đoàn Viettel, VNPT, FPT, Công ty VeXeRe, Công ty Abivin đã chia sẻ kinh nghiệm và đề xuất triển khai một số giải pháp chuyển đổi số trong ngành GTVT như: Các giải pháp liên quan đến giao thông thông minh, thu phí không dừng, triển khai giấy phép lái xe điện tử, xây dựng sàn vận tải đường sắt, giải pháp nền tảng quản lý, tối ưu chuỗi cung ứng để giảm chi phí logistics….
Bộ TT&TT sẵn sàng đồng hành cùng Bộ GTVT trong tiến trình chuyển đổi số
Phát biểu tại Hội nghị, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng khẳng định, người đứng đầu đóng vai trò quan trọng trong việc triển khai chuyển đổi số của một tổ chức, một đơn vị. Công nghệ chỉ chiếm khoảng 20 – 30%. “Chuyển đổi số có thành công hay không phần lớn phụ thuộc vào quyết tâm chuyển đổi hoạt động của người đứng đầu và sự tường minh của bài toán mà tổ chức đó đặt ra cho giới công nghệ.”
Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng phát biểu tại Hội nghị.
Đối với câu hỏi “Chuyển đổi số nên bắt đầu từ đâu”, Bộ trưởng cho rằng, đối với ngành GTVT, chuyển đổi số nên bắt đầu từ những bài toán khó, tồn tại lâu dài trong ngành, chẳng hạn như: Tắc đường ở thành phố lớn; Chi phí cho logistics chiếm tỷ trọng còn cao trong GDP; Tai nạn giao thông còn xảy ra nhiều….
Vấn đề ngành GTVT Việt Nam đang gặp phải cũng chính là vấn đề chung của nhiều quốc gia khác trên thế giới. Nhiều bài toán của ngành Giao thông Việt Nam đã được các nước khác giải quyết và những bài toán chung như vậy chiếm tới 60-80%. Do đó, cách nhanh nhất, hiệu quả nhất và cũng dễ nhất để giải quyết những bài toán này là học hỏi kinh nghiệm của các nước đi trước để áp dụng theo.
Người đứng đầu ngành TT&TT cũng nhấn mạnh đến từ khóa “hiệu quả” trong triển khai các dự án nhằm thực hiện chuyển đổi số. Trả lời câu hỏi chuyển đổi số bắt đầu từ những dự án to hay nhỏ, Bộ trưởng khẳng định, vì chuyển đổi số là quá trình lâu dài, liên tục, do vậy hãy bắt đầu từ những dự án mà sau 1 năm, nhiều lắm là 2 năm, mang lại hiệu quả rõ nét, cụ thể. Từ đó tạo ra niềm tin vào chuyển đổi số và dựa trên những kết quả đạt được đó, đề ra những quyết định lớn hơn. Hãy luôn nhìn vào giá trị và hiệu quả mà các dự án chuyển đổi số mang lại. Hãy thận trọng với những dự án hoành tráng, Bộ trưởng Bộ TT&TT lưu ý.
Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng khi nói về chuyển đổi số cũng nhắc đến vấn đề “văn hoá thời chuyển đổi số”. Chuyển đổi số là mới, là sử dụng công nghệ số như AI, big data, IoT, cloud computing làm những việc chưa từng có tiền lệ, do đó khi triển khai cần một tinh thần giống như tinh thần khởi nghiệp, mọi thứ đều phải thử nghiệm, triển khai rất nhanh, chấp nhận sai rồi sửa, nghĩ thì lớn mà làm thì từ nhỏ.
Bộ trưởng Bộ TT&TT cũng nhấn mạnh sự khác nhau về dữ liệu giữa thời CNTT và thời chuyển đổi số. Trong thời CNTT, cơ sở dữ liệu là những thông tin kiểu như: ô tô này mua ngày nào, loại gì, ai là chủ sở hữu, biển số xe là bao nhiêu… Trong thời chuyển đổi số, cái ô tô này sinh ra dữ liệu gì mới quan trọng. Đó là những dữ liệu về những con đường chiếc ô tô đó đi lại hàng ngày, thông tin về lốp xe hao mòn đã đến lúc cần thay chưa… Dữ liệu do phương tiện giao thông sinh ra chính là dữ liệu sống và mới là dữ liệu tạo ra giá trị. Đấy chính là dữ liệu của thời chuyển đổi số.
Cuối cùng, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng, ngành GTVT muốn giải những bài toán khó của mình thì cần nêu rõ yêu cầu của bài toán và tin tưởng vào các doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam có thể giúp Bộ, giúp ngành Giao thông giải quyết được những khó khăn này. Thị trường Việt Nam chính là cái nôi để những doanh nghiệp công nghệ Việt Nam trưởng thành, lớn mạnh và từ đó đi ra thế giới. Và quan trọng hơn, dữ liệu của người Việt Nam ở lại trên các nền tảng số Việt Nam, phục vụ cho việc phát triển kinh tế xã hội của Việt Nam.
Đối với các dự án liên quan đến chuyển đổi số mà Bộ GTVT vẫn còn nhiều băn khoăn, trăn trở, Bộ TT&TT sẵn sàng hỗ trợ, đồng hành trong giai đoạn đầu, sau này khi mọi việc đã hoạt động tốt, suôn sẻ sẽ chuyển giao cho Bộ GTVT, Bộ trưởng Bộ TT&TT đề xuất.
Ngành GTVT cam kết đi tắt đón đầu trong ứng dụng công nghệ số vào hoạt động quản lý ngành
Nhất trí với những đề xuất, giải pháp do Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng đưa ra, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể cho biết, trong thời gian qua, Bộ GTVT đã yêu cầu các đơn vị thuộc Bộ xây dựng các đề án về ứng dụng CNTT nhằm thích ứng với cuộc CMCN 4.0 thông qua số lượng dịch vụ công trực tuyến được cung cấp trên Cổng Dịch vụ công. Đồng thời, Bộ cũng đã xây dựng được những cơ sở dữ liệu chuyên ngành dùng chung phục vụ công tác quản lý nhà nước của Ngành.
Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể phát biểu tại Hội nghị.
Tuy nhiên, hoạt động ứng dụng CNTT của ngành GTVT vẫn còn một số hạn chế, chưa đáp ứng một số yêu cầu của Ngành cũng như của xã hội. Sở trường của GTVT là xây dựng cầu đường, làm bê tông cốt thép, sở trường của Bộ TT&TT là về công nghệ, phát triển phần mềm, triển khai chuyển đổi số.
Bộ trưởng Bộ GTVT tin tưởng, sự hợp tác giữa Bộ GTVT và Bộ TT&TT và các doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam sẽ tạo ra cuộc cách mạng mới trong khai thác hiệu quả hạ tầng ngành giao thông.
Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cho biết, ông mong muốn đầu tư lớn cho ứng dụng công nghệ trong thời gian tới vì không có công nghệ không bao giờ giải quyết được các vấn đề lớn của ngành GTVT. Hạ tầng cứng (cầu đường, bến cảng, sân bay….) của chúng ta đã tốt rồi nhưng không có công nghệ, không có hạ tầng mềm thì ngành GTVT không thể phát triển nhanh và hiệu quả trong giai đoạn tới. Bộ trưởng đưa ra ví dụ về cảng trung chuyển lớn nhất của Singapore được tự động hóa hoàn toàn từ bốc dỡ container, điều hành cảng, vận chuyển container… Chỉ có 20 nhân viên nữ ngồi trong phòng điều khiển các hoạt động của cảng.
Bộ trưởng Bộ GTVT đề xuất Bộ TT&TT hỗ trợ ngành GTVT chuyển đổi số thông qua việc xây dựng các thể chế về luật, nghị định, thông tư và hướng dẫn thi hành. Hạ tầng cứng giờ đã đến điểm bão hoà, hạ tầng mềm, hạ tầng số đóng vai trò quan trọng, đưa Việt Nam vươn lên, vượt qua bẫy thu nhập trung bình.
Bộ trưởng Bộ GTVT nhất trí với ý kiến của Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng về khả năng công nghệ của doanh nghiệp công nghệ Việt Nam. Bộ trưởng cho biết, ông rất tin tưởng các doanh nghiệp công nghệ Việt Nam có năng lực không hề thua kém doanh nghiệp nước ngoài, hoàn toàn có khả năng hỗ trợ ngành GTVT giải quyết các bài toán khó cũng như triển khai các dự án công nghệ lớn của ngành.
Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng tặng Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể bức tranh ghép tem về Bác Hồ.
Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể chỉ đạo, sau cuộc họp này, các đơn vị chức năng liên quan của Bộ cùng nghiên cứu, xem xét, báo cáo lãnh đạo Bộ việc đổi tên Trung tâm Công nghệ Thông tin thành Trung tâm Chuyển đổi số Bộ GTVT. Công nghệ là con đường tất yếu để đổi mới tổ chức quản lý ngành GTVT cũng như nâng cao hiệu quả quản lý ngành. Ngành Giao thông sẵn sàng đi tắt đón đầu, đi trước mở đường trong hoạt động ứng dụng công nghệ, triển khai chuyển đổi số, Bộ trưởng Bộ GTVT cam kết.