Một trong những giải pháp triển khai thực hiện Đề án, đó là bổ sung hệ thống đèn giao thông thông minh kết hợp camera giám sát giao thông, đảm bảo thu thập, xử lý và chia sẻ dữ liệu về tình trạng hoạt động giao thông trên các tuyến đường (Ảnh minh họa).
Tập trung hoàn thiện môi trường làm việc trực tuyến
Theo đó, trong giai đoạn 2021 – 2025, Kế hoạch đề ra 6 nhiệm vụ trọng tâm để triển khai Đề án, gồm: Hoàn thiện môi trường làm việc trực tuyến tại cơ quan Sở GTVT và các đơn vị trực thuộc, đảm bảo 100% văn bản phát hành tại đơn vị được ký số và trao đổi điện tử (trừ văn bản mật theo quy định của pháp luật); nghiên cứu đề xuất đầu tư hệ thống phòng họp trực tuyến tại cơ quan Sở GTVT, đảm bảo ít nhất 50% cuộc họp được thực hiện trực tuyến; đảm bảo 100% hồ sơ thủ tục hành chính trong lĩnh vực GTVT thuộc thẩm quyền của UBND thành phố được quản lý theo dõi tiến độ xử lý trên Cổng Dịch vụ công thành phố, trong đó ít nhất 50% số lượng hồ sơ dịch vụ công trong lĩnh vực GTVT được nộp và xử lý trực tuyến mức độ 3,4; tích hợp đồng bộ thông tin giữa Cổng Dịch vụ công thành phố với Cổng dịch vụ công Bộ Giao thông vận tải, Cổng Dịch vụ công Quốc gia; thu thập, cập nhật đầy đủ dữ liệu địa lý về kết cấu hạ tầng giao thông và các công trình hạ tầng kỹ thuật có liên quan vào phần mềm quản lý chuyên dùng; sử dụng hệ thống đèn tín hiệu giao thông thông minh kết hợp camera giám sát giao thông tại các nút giao thông quan trọng.
Trong giai đoạn 2025 – 2030, nghiên cứu đề xuất UBND thành phố chủ trương xây dựng Trung tâm quản lý, điều hành giao thông thông minh; triển khai thu phí dịch vụ sử dụng đường bộ theo hình thức điện tử không dừng đối với các tuyến đường bộ có thu phí do thành phố quản lý; tuyên truyền, vận động 100% phương tiện ô tô trên địa bàn thành phố sử dụng tài khoản thu phí điện tử để thanh toán đa mục đích cho các dịch vụ giao thông đường bộ.
Đẩy mạnh ứng dụng CNTT trong xây dựng cơ sở hạ tầng dữ liệu của ngành GTVT
UBND thành phố khuyến khích các doanh nghiệp tham gia đầu tư xây dựng các hệ thống dịch vụ ứng dụng CNTT để phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh trong lĩnh vực giao thông vận tải; hướng tới cung cấp các dịch vụ hỗ trợ kết nối vận tải, các tiện ích giao thông thông minh đáp ứng yêu cầu phát triển của nền kinh tế số. Triển khai các phần mềm ứng dụng trong lĩnh vực đường bộ, phối hợp phát triển hệ thống tích hợp dữ liệu thu thập từ các hệ thống thông tin quản lý chuyên dùng của các ngành GTVT, y tế và lực lượng cảnh sát giao thông để phục vụ quản lý, giám sát an toàn giao thông.
Tăng cường ứng dụng CNTT để minh bạch công tác lập danh mục mạng lưới tuyến và quản lý đăng ký khai thác các tuyến vận tải hành khách cố định; kiểm soát chặt chẽ việc đăng ký biển hiệu, phù hiệu của các phương tiện kinh doanh vận tải; triển khai hệ thống giám sát từ xa bằng hình ảnh đối với các Trung tâm sát hạch lái xe trên địa bàn thành phố; tích hợp với các hệ thống công nghệ hỗ trợ giám sát cầu, hầm đường bộ, kiểm soát tải trọng phương tiện…
UBND thành phố yêu cầu nội dung của Kế hoạch phải được triển khai đảm bảo đúng tiến độ, phù hợp với tình hình thực tế, bám sát mục tiêu Đề án; trong đó xác định và phân công rõ trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị liên quan làm cơ sở kiểm tra, giám sát, đôn đốc việc thực hiện. Đồng thời, đảm bảo bám sát nội dung Quyết định số 923/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Đề án Ứng dụng CNTT trong quản lý, điều hành GTVT, tập trung với lĩnh vực đường bộ.